- Mày biết chi chưa?
Thằng Cù Lao nói nó đã biết hết rồi. Nó sẽ được đi Trà Linh mua gỗ xây dựng trường mới. Đi bằng thuyền của dượng Hương Thư. Nó và dượng Hương Thư sẽ ghé Dùi Chiêng thăm con cháu ông Bá Hoành bắt hổ giỏi lắm. Nó sẽ được xem họ đánh nhau với hổ, được ăn thịt hổ nữa.
Tôi gạt phăng:
- Không phải chuyện đó.
Thằng Cù Lao ấp úng:
- Hay là chuyện... nhưng anh Bốn dặn chị Bốn phải kín miệng...
- Dặn khi mô?
- Hôm anh Bốn về. Anh nói chuyện với chị Bốn lâu lắm. Chuyện...
Tôi chịu không được nữa, hỏi thẳng:
- Chuyện phán Ninh làm mật thám phải không?
Thì ra thằng Cù Lao cũng thức, cũng vểnh tai nghe mọi việc anh Bốn kể. Nó thì thầm:
- Ông Hoạt người thế nào tui chưa biết.
- Ông Hoạt ở ngoài vạn, có búi tóc. Hôm ăn giỗ ở nhà anh Bốn, mày đã biết rồi. Theo anh Bốn, hiện nay phán Ninh đang lui tới ở nhà bà con thân thuộc. Phán Ninh vào ra chỗ nhà Phó Xáng hay chỗ ông Hoạt ở ngoài vạn.
Thằng Cù Lao gật gật.
Tôi khuyên nó:
- Như vậy phải tránh xa! Chớ có đi tắm gần chỗ vạn, có ma tà đó!
* * *
Vạn Hoà Phước có khoảng mười chiếc thuyền buồm. Thuyền nào ở đằng mũi cũng có hai sừng giống đôi sừng trâu. Đằng mũi còn có thêm hai con mắt. Mỗi thuyền buồm thường kèm một vài xuồng con. Xuồng con đậu quanh thuyền lớn giống như những bé nằm quanh bụng mẹ. Khi có gió, thuyền mẹ cót két rên rỉ. Xuồng con húc húc vào mạn thuyền mẹ như đòi bú tí. Thuyền lớn khi nằm ở bến trông nặng nề uể oải, khi rời bến bỗng hoá nhẹ tênh, cánh buồm giương cao lướt trên sóng biếc bay đến chỗ chân trời trông sáng quắc như những thanh gươm nhọn. Thuyền ở vạn Hoà Phước cập bến và rời bến rất bất thường. Thuyền ông Mười Ý to nhất vạn, có ba buồm, ăn đường ở các bến sông rồi giương buồm ra đến Huế. Nó từng vượt sóng biển khơi. Đối với bọn trẻ trong làng, nó có uy tín rất lớn. Khi thấy nó về, chúng reo to:
- Ghe bầu ông Mười đã về!
Chỉ một lúc sau, tin tức được loan báo khắp làng. Ai cũng muốn chạy xem ông Mười đã đưa loại mắm gì về, mắm cá nục hay cá cơm, đựng bằng thùng hay bằng tĩn. Nếu có gạo tốt thì người không mua cũng bốc vài hột về cho bà con trong xóm cùng xem. Thuyền của dượng Hương Thư tuy nhỏ nhưng rất chắc, nhiều lần vượt thác. Thuyền của dượng mỗi năm chỉ nằm ở vạn Hoà Phước vài ba tháng. Trước đây, dượng về ngụ cư ở vạn Hoà Phước. Thuyền bà Phương chuyên nghề đưa khách xuôi phố Hội An, thường nhổ sào vào lúc xẩm tối. Thuyền ông Hoạt dáng bè bè, trông dày dạn, có lúc lên bán mắm trên nguồn.
Vạn Hoà Phước còn đón thuyền ở các nơi đến. Thuyền vùng biển ghé vạn mua lá keo về trồng khoai. Đêm xuống, họ đốt lửa nấu khoai sáng rực cả bờ sông. Hấp dẫn nhất là thuyền bán đồ "Nha Trang". Thuyền thường đến trước Tết, chở đầy những mâm hoa quả, những nải chuối vàng hườm, những quả cam rực rỡ, nhưng toàn bằng đất sét. Trẻ con Hoà Phước không hiểu những thứ đó làm ở xứ nào. Chỉ biết người ta gọi đó là đồ Nha Trang. Ngoài hoa quả, còn có những con cò trắng bạch đứng bên lá sen, những con nhái ngồi xổm trên ống tre. Khi thuyền Nha Trang đến, bọn chúng tôi ù té chạy xem, không ngớt ca ngợi, vì những nải chuối thật, những con nhái thật cũng không đẹp hơn những đồ đó được.
Bỗng vạn Hoà Phước mất hết vẻ hấp dẫn khi trước. Nó hiện ra đầy bí mật vì có một tên ma tà bị tróc nã lẩn quất đâu đây.
Tôi và thằng Cù Lao vẫn ra bến tập bơi. Tôi muốn tránh xa chỗ vạn. Nhưng thằng Cù Lao từng được ông Bảy Hoá đề cao, bảo nó sẽ dẹp được giặc dưới nước. Nay giặc đang nằm ngay trong thuyền ông Hoạt, nó khó làm lơ. Nó phải bơi đến chỗ vạn để điều tra. Nó sẽ bơi quanh, giả vờ như không biết phán Ninh là ai cả. Sau đó nó sẽ báo cáo mọi việc với anh Bốn. Thằng Cù Lao nói nghe có lí, nếu làm được việc đó, anh Bốn sẽ thưởng chớ chẳng phải chơi. Thằng Cù Lao bơi vun vút phía trước. Tôi bơi theo sau, bơi đến những thuyền cắm tận ngoài xa. Chẳng thấy ông Hoạt đâu cả. Chúng tôi hết sợ, lên bờ mặc quần áo la cà đến bên những thợ mộc đang chữa thuyền. Một ông nổi quát đuổi đi vì có một đứa giống thằng Cù Lao đã cắp mất cái đục. Thật chán! Ta đi để làm một việc quan trọng như vậy, đến lúc quay về lại bi nghi oan là ăn cắp đục!
* * *
Ông Bảy Hoá đến đâu cũng nêu cao tài bơi lội của thằng Cù Lao. Danh của nó bay xuống xóm chợ, lọt vào tai bọn trẻ con dưới đó. Lúc đầu chúng chưa tin. Sau khi thấy rõ chúng đều phục lăn phục lóc.
Đứa nào cũng muốn tập bơi. Thằng Cù Lao tập cho mấy đứa. Chúng trầm trồ:
- Tài quá! Tài quá!
- Thằng Cù Lao để tay vào chỗ bụng mình, là mình bơi giỏi mới lạ chớ!
Đội ngũ bơi lội càng đông. Một vài đứa đã vượt sông Thu Bồn. Những đứa trước đây chê thằng Cù Lao là ngốc, nó là một thứ mọi biển, nay càng mê nó. Để tỏ mối tình, bọn bơi lội mở tiệc chiêu đãi.
Thằng Thân ở xóm chợ mở gói lá chuối, chắp tay đặt trên rốn:
- Mời các vị cứ thiệt tình! Đây là món thịt quý đãi anh Cù Lao.
Thằng Cù Lao dòm dòm:
- Thịt chi vậy?
- Thịt chim công! Chim công lông đẹp, thịt ngon. Tôi giết vài con đãi bạn. Bốc một miếng ăn đi.
Tôi bốc một miếng lên xem. Đó là miếng dái mít, ăn vào sẽ xít cuống họng. Tôi bỏ dái mít vào mồm. Thật kì lạ! Dái mít bỗng hoá ngọt ngào chẳng khác gì xôi ngọt. Thằng Cù Lao khen:
- Ngon hơn chả!
- Ấy! Dái mít phải cắt ra thành miếng, gói lại đem ép dưới cối đá mới ngon như rứa!
Ăn "thịt chim công" xong, chúng tôi uống "rượu".
Rượu là nước sông Thu Bồn. Uống xong đứa nào cũng gật gật, cũng bước xiêu vẹo, cũng nói: "Ta không say, ta không say" như mấy người say rượu chính cống.
Trong lúc "say rượu" có đứa nói thật là nó mong Pháp đổ bộ lên Đà Nằng kéo đến đóng ở sông Thu Bồn, nó có dịp bơi lặn tẩn cho bọn Pháp một trận để lập công!
Tôi cũng nói thật là nhờ tài bơi lội mà tôi và thằng Cù Lao đã lãnh một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Chú Năm Mùi đã giao cho chúng tôi "vượt thác xuống gành" một chuyến. Đó là dịp tốt để chúng tôi thi thố tài năng, và để lấy gỗ ở Dùi Chiêng về xây dựng... cuộc đời mới. Lên Dùi Chiêng thế nào cũng được đi săn hổ. Tất cả đều cho chú Năm Mùi rất sáng suốt. Sự thật tôi được đi Dùi Chiêng để lo việc... nấu cơm, vì tôi là loại "lỡ rơi xuống nước cũng không đến nỗi như cục đá", như dượng Hương đã nhận xét.
Читать дальше