Một buổi tối bọn bồi bếp ở ngoài suối chạy về kêu la hoảng hốt:
- Có hùm! Có hùm! Nhiều lắm!
Có tiếng lào xào rồi tiếng cây gãy răng rắc. Qua vài phút im lặng, rừng núi như nổi cơn giông. Đất đá từ trên cao đổ ào ào. Tôi chỉ còn kịp leo lên một cây to gần đấy. Một đàn voi có đến ba mươi thớt từ đâu xông đến. Trong bóng trắng mờ mờ chúng lồng lên, gào rống, chà đạp. Chúng xốc vào nhà dù, quật vải bạt, đạp quần áo, giày dép, bao bị, súng ống, rương hòm, co vòi móc tất cả vứt lên cao rồi lại chà, lại đạp. Chợt chúng lặng im rồi gào rống to hơn. Hai thằng Tây theo tôi tót lên cây nên thoát chết.
Dượng Hương Thư quả quyết:
- Chúng tinh lắm, khôn lắm!
Khi một con bị thương ngã xuống, những con khác quỳ xuống, lấy đầu đẩy, dùng vòi dựng dậy. Khi biết bạn mình đã chết, chúng rống lên một hồi thảm thiết, moi đất đắp lại. Sau đó chúng kêu lên mấy lần rồi mới từ biệt.
Nghỉ trưa xong, chúng tôi tiếp tục xuyên rừng đi xem gỗ của ông Hội. Chúng tôi lên dốc, xuống dốc, chui qua gai góc, bước lom khom. Một con chim lông màu đá, ngực vàng óng nổi kêu: Rết ta ta! Rết ta ta! Một vài chim câu lưng màu xanh, cổ màu hồng, cất cánh nghe một tiếng "roặc". Chợt có tiếng lao xao trên cành cây cao, một khuôn mặt tí tẹo với cặp mắt trong veo của một chú khỉ đang nhìn xuống. Một ngọn nước từ trên cao đổ xuống, bọt tung như hoa trắng. Tôi với thằng Cù Lao có một nghìn việc muốn hỏi ông Hội, vì nhiều câu hỏi quá nên không biết hỏi câu gì. Dượng Hương đi trước chốc chốc chỉ cho chúng tôi thấy những dấu vết của giống thú rừng qua lại. Thú rừng bị ngứa cà mình vào các gốc cây và để lại một túm lông. Dượng Hương biết đó là lợn rừng, bò rừng hay gấu...
Chúng tôi lội quanh một con suối, trèo lên một dốc cao có nhiều đống lá. Đó là những khúc gỗ của ông Hội bị lá rụng phủ kín. Dượng Hương Thư hất lá, cứ trầm trồ chưa bao giờ dượng thấy những cây sơn to đến thế. Muốn đưa được những cây gỗ đó ra sông phải thuê thợ xẻ nhỏ, trâu mới kéo được. Việc đó cũng không phải dễ. Tính đi tính lại, dượng Hương và chú Hai không dám nhận số gỗ ông Hội tặng. Ông Hội cho biết ông còn một số gỗ nhỏ đang nằm ở Thạch Bích. Dượng Hương và chú Hai đến đấy mà lấy. Ông Hội đã thanh toán giá cả với ông Ký và thợ rừng ở đó. Ông Hội đang bận nhiều cuộc họp nên không cùng đi với chúng tôi được.
Chương 11 (tt)
Sáng hôm sau, chúng tôi rời Dùi Chiêng để lên Bình Kiều và Thạch Bích. Từ Dùi Chiêng đi Bình Kiều, núi non hai bên bờ lúc khép lại, lúc mở ra. Càng lên cao, sông càng hẹp lại, chảy xiết giữa những bậc đá chất chồng. Núi Thạch Bích trước mặt hiện ra sừng sững. Dòng sông phóng từ trên cao xuống giữa hai vách đá đồ sộ, thẳng tắp giống như một cổng trời cao vút. Vách đá láng bóng không một vết lồi lõm. Tục truyền xưa kia, vị Thượng Ngàn đã dùng gươm thần chặt núi Thạch Bích ra làm đôi. Nếu vậy thì núi lúc đó phải mềm như đất nhão và kỹ thuật chém núi phải thật cao cường. Có vậy mới tạo ra được một chiều đứng ngay thẳng kỳ lạ như vậy. Nước lao vun vút như đàn ngựa phi nước đại. Tiếng nước chảy vang lên như có hàng trăm chiếc cồng cùng đánh một lúc. Dượng Hương cho dừng thuyền ở phía dưới Thạch Bích, tìm vào nhà ông Ký. Ông là thợ rừng quê ở Bình Kiều. Ông từng hạ những cây lim to bán cho dượng Hương. Số gỗ của ông Hội là loại gỗ sến nhỏ, rất vừa cho việc xây dựng nhà cửa. Ông Ký đưa chúng tôi vào nhà. Nhà ông cách bến nước một cây số, dựng giữa một cái dốc cheo leo như cắm vào lưng chừng núi. Đứng trong nhà nhìn ra thấy mây bay dưới chân lớp lớp. Nhưng chóp núi nhấp nhô trong mây nom giống một đàn trâu đang ngụp lặn. Giữa nhà ông Ký treo một lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. Không ngờ cách mạng cũng lên tận những nơi thâm sơn cùng cốc.
Ông Ký nói:
- Không năm nào ghe thuyền lên đây sớm như năm nay. Vừa lụt xong, các bác đã lên chở gỗ. Có ghe vạn Hòa Phước lên mua dầu rái. Cách mạng thành công, chánh phủ bỏ hết thuế chợ, thuế thuyền. Ai cũng muốn lên xuống thông thương cho sướng!
Dượng Hương Thư vẻ ngạc nhiên:
- Nước còn to, ở vạn Hòa Phước chẳng ai đi đâu cả. Có ai lên trên này đâu! Chúng tôi lên sớm để... kịp việc trường trại. - Dượng Hương Thư vừa sực nhớ: - Chỉ có ghe ông Hoạt không biết đi đâu?
Ông Ký nói gần như reo:
- Phải rồi! Ông đó là ông Hoạt! Ông Hoạt ghé qua đây hôm qua, hỏi mua dầu rái. Ông Hoạt nhiều lần lên đây bán mắm. Mắm ngon lắm!
Vừa nghe đến ông Hoạt, tôi đã chú ý. Thì ra thuyền ông Hoạt lên trên này. Mấy hôm trước đây, tôi và thằng Cù Lao đã ra vạn Hòa Phước bơi tìm thuyền ông Hoạt nhưng không thấy đâu cả.
Tôi vội vàng hỏi:
- Ghe ông Hoạt lên đây hở bác?
- Ừ, ông Hoạt.
Thằng Cù Lao hỏi tiếp:
- Có phải ông Hoạt có búi tóc không bác?
- Ừ, ông đó.
- Ông lên đây lúc nào bác?
- Hôm qua.
- Ông lên một mình hở bác?
- Có vợ có con nữa chớ.
Có tiếng chú Hai dặng hắng. Chú Hai quắc mắt nhìn thằng Cù Lao:
- Mày để các bác nói chuyện! Con nít hỏi lia lịa việc đó làm chi!
Thằng Cù Lao cứ thấp thỏm, cố tìm cách hỏi thêm. Nó đánh bạo:
- Ông Hoạt đi đâu rồi bác?
- Chẳng biết!
Chú Hai lại mắng:
- Im ngay! Mày trám họng người lớn, la mãi không được! - Chú phân trần:- Con nít vô lễ, làm tui giận hết sức!
Ông Ký giảng giải:
- Trẻ con là vậy. Khi thương ai, chúng hỏi rối rít. Sau đó lại quên.. Chúng cười đó, khóc đó, vì cái "tính bổn thiện" của chúng đã định được đâu. La mắng làm chi cho mệt!
Từ hôm biết tin thuyền của ông Hoạt đang ở Bình Kiều, tôi và thằng Cù Lao cứ nghi nghi. Dượng Hương cũng không hiểu ông Hoạt lên trên này làm gì, vì chưa đến mùa bán buôn đổi chác. Thằng Cù Lao muốn gặp ngay anh Bốn Linh, muốn về sớm. Ai cũng ngạc nhiên vì trước đó nó muốn ở lại xem ông Hội bắt hổ. Nó còn xin phép dượng Hương cho nó vào rừng xem thử có ai trong đó không. Dượng Hương tưởng nó hóa rồ:
- Có ai? Có cọp trong đó thì có! Mày muốn cọp xách hả?
Chú Hai lo thằng Cù Lao bị ma ám. Vì có bị ma ám mới nói lảm nhảm như vậy.
Ông Ký bảo nó bị lạc vía. Khi về nhà phải làm lễ để hú ba hồn bảy vía nó lại. Trẻ con đi rừng chưa biết kiêng kỵ, phạm phải chỗ ăn nằm của chư vị. Chư vị đã hớp mất hồn. Chỉ cúng con gà, cái rồ của nó sẽ bay mất.
Читать дальше