Ông Kiểm đang nằm quấn chiếu, vừa thấy chú Năm, ông Kiểm đã ngồi dậy nói ú ớ:
- Mô Phật, mô Phật! Tôi nằm chiêm bao thấy bà Bạch Thố với bà Năm Nanh hiện lên. Hai bà nhe nanh, xòe vuốt, chỉ vào mặt tôi: "Mày đó hả? Mày định đến lấy gạch của tao đó hả? Tao vặt cổ cho mà biết!". Mô Phật! Từ hôm đó đến nay hồn vía tôi lên mây. Tôi chẳng dám làm chi nữa...
Chú Năm hỏi:
- Có phải hai bà tóc dài chấm đất, bà nào cũng có nanh, có vuốt, mặc áo trắng tinh phải không? Giữa khuya hai bà cũng hiện lên chỗ tôi nằm. Hai bà bảo tôi phải đến lấy hết gạch ở miếu đổ của bà, phải quét dọn sạch sẽ vì chồn chuột chui rúc phóng uế bậy bạ, hai bà không chịu nổi. Tôi đang phân vân thì hai bà liền bỏ nhỏ, ỏng a ỏng ẹo bảo tôi phải giúp bà. Tôi với bọn thằng Cục thằng Cù Lao đã đến xếp gạch thành một đống vuông vức. Tôi nghe càng khỏe ra, chẳng ai vặn họng vặn cổ chi cả.
Ông Kiểm Lài mở to mắt nhìn chú Năm, xem bộ chưa tin. Chú Năm quả quyết:
- Nếu ông chưa tin thì cứ vào chòm đa Lý mà coi, coi thử tôi có nói láo không! Gạch đã dỡ ra, xếp lại rồi. Nay ông vào để chuyển gạch cho thợ...
Chú Năm bảo bà Kiểm Lài phải nấu ngay cho ông ông Kiểm một nồi cháo hành, ông ăn cho nóng. Và ăn xong ông phải vào ngay chỗ chòm đa Lý, vì các bác thợ vôi ở trong đó đang đợi.
Ông Kiểm đứng dậy, vội vã xách nón đi ngay vào chòm đa Lý gặp các bác thợ vôi.
Anh Bốn Linh và hai anh cán bộ đi suốt hơn tuần lễ vẫn chưa thấy về. Ở nhà ai cũng trông đợi. Tôi tưởng phen này anh Bốn về nhất định sẽ mang theo phán Ninh chân tay bị trói chặt.
Một hôm ở chòm đa Lý về, tôi thấy anh Bốn Linh nằm khoèo trên giường, ngáy giòn tan. Anh ngủ suốt ngày hôm sau, khi thức dậy vẻ người phờ phạc. Tôi đoán là anh Bốn Linh không bắt được phán Ninh và mọi việc đã bị thất bại. Buổi tối, anh gọi thằng Cù Lao đến bên cạnh, nói cho nó biết là các đồng chí trinh sát gửi lời thăm nó, công nhận nó có tinh thần cảnh giác, biết giúp chính quyền bắt được tên phản bội. Và như vậy, đoàn thể xem nó như đã được kết nạp vào đội Thiếu niên công tác. Việc này chưa thể công bố với mọi người, vì tình hình đang rất gay go, mọi việc đều phải tạm rút vào bí mật. Thằng Cù Lao và tôi chỉ cần biết một điều. Đó là phải làm nhiều công tác, công tác đứa nào đứa ấy biết, không cần bàn tán lôi thôi. Đã có chú Năm Mùi phụ trách, phân phối mọi nhiệm vụ. Nói xong, anh đưa ra một xấp ka - ki màu xanh láng mướt, bảo là các đồng chí cấp trên có hỏi về gia đình nó, gửi tặng nó bốn thuớc vải. Anh nhìn sang phía tôi:
- Còn mày, độ rày có chút ít tiến bộ, cấp trên gửi cho một cái hộp gỗ.
Sự việc quá đột ngột, làm tôi và thằng Cù Lao bàng hoàng. Tôi hỏi lại anh Bốn Linh làm thế nào bắt được phán Ninh. Giọng anh Bốn Linh đanh lại:
- Ban ngày, phán Ninh vào ở trong rừng, khó khăn lắm!
- Nó đâu rồi?
- Đưa về cho các đồng chí trinh sát ở tỉnh. Đem về đây sao được?
Anh Bốn Linh dặn chúng tôi phải giữ bí mật, nhất là những đồ vật được cấp trên gửi tặng, không được rỉ hơi ai biết. Ở trên còn đang tiến hành điều tra những manh mối khác.
Chương 12
Anh Sáu công tác ở Đà Nẵng về thăm nhà, cũng để bàn với anh Bốn Linh một vài việc. Trước tình hình Pháp muốn quay lại, cấp trên thấy cần xây dựng được cho Đà Nẵng một xưởng công binh. Xưởng sẽ đưa về Mỹ Lược. Mỹ Lược ở ngã tư sông, tất cả ngõ nguồn đều dồn về đấy. Nếu chiến sự Đà Nẵng có xảy ra, Mỹ Lược vẫn là nơi rất tiện cho việc vận chuyển đường sông và tiếp tế vũ khí cho mặt trận. Mọi việc đã chuẩn bị, chỉ còn khâu quản lý, đang cần có người tin cậy.
Anh Sáu nhờ anh Bốn Linh tìm thuyền, lo mọi việc chuyên chở. Anh Sáu trao đổi với chú Hai nên nhận một công tác trong công binh xưởng. Việc học hành của thằng Cù Lao, anh Sáu sẽ đảm nhận.
Lúc đầu chú Hai còn phân vân vì chú thích được nhận một công tác ngay ở địa phương. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy làm ở một công binh xưởng, dù lo việc vận chuyển, cũng có một cái gì vinh quang, vì đó là công tác quân sự. Nhưng điều làm cho chú Hai vui nhất là thằng Cù Lao được đi theo anh Sáu để anh rèn luyện cho nó nên người, trước tiên là trị cái thói... tự do quá trớn của nó.
Chú Hai nhận công tác ở xưởng công binh và thằng Cù Lao về ở Đà Nẵng. Không ngờ sự đời lại đổi thay đột ngột như vậy. Thằng Cù Lao sẽ từ giã Hòa Phước. Tôi với nó sẽ xa nhau. Tôi cứ yên trí tôi với nó mãi mãi cùng nhau chăn trâu, cùng nhau chơi vật, cùng tắm mát trên sông Thu Bồn, cùng học một trường ở chòm đa Lý. Sau này cùng vào bộ đội, cùng chiến đấu ở một mặt trận. Tôi nói gì, thằng Cù Lao cũng cho là phải. Thằng Cù Lao nói gì tôi cũng thấy là hay. Không ngờ nó lại xa tôi. Lúc này tôi mới cảm thấy thằng Cù Lao rất cần cho tôi. Tôi chẳng có gì làm quà cho nó. Nó cũng chẳng có gì tặng tôi. Thằng Cù Lao sẽ xuôi thuyền đến phố Hội An, sau đó lên ô tô đi Đà Nẵng. Anh Bốn đi họp hội nghị nuôi quân ở Hội An sẽ cùng đi với chú Hai. Tôi cũng được đi tiễn thằng Cù Lao, đi đò xuôi cho tới phố.
Mặt trời gác núi. Một ông trăng tròn rời rợi bay lên đậu trên chòm tre làng. Chúng tôi ăn xong cùng ra bến Hòa Phước. Bà Phương chuyên đưa khách đi Hội An chờ sẵn. Bà nhận cái gói của chú Hai và cái túi dết của tôi cất vào khoang, đón chúng tôi lên thuyền.
Thuyền nhổ sào. Gió thổi hiu hiu. Bà Phương suốt đời lên xuống sông Thu Bồn, thuộc làu từng bến nước. Kh thuyền qua mỗi khúc sông, bà lại nhắc:
- Văn Ly kia! Đa Hòa kia rồi! Gái ơi! Gọi đò đi con!
Chị Gái, con bà Phương, đang chèo đằng lái gọi lên vang vọng:
- Ai... có... xuôi đò...ò khôông?
Có tiếng trả lời từ trong bờ:
- Ghé vô đây!
- Có thiệt... khôông?
- Sao không thiệt? Ai gọi chơi làm... chi?
Thuyền bà Phương quay mũi vào bờ. Chiếc cầu ván trên thuyền được đẩy xuống mé nước để khách bước lên. Thuyền lại quay ra sông. Mái chèo của chị Gái lại đập nước hất lên những mảnh bạc loang loáng lướt vội bên thuyền.
Có khách nằm trong khoang nhắc:
- Đi đò xuôi muốn nghe câu hát. Mời hát lên cho vui.
Bà Phương ở đằng sau lái giục:
- Hát lên đi con!
Điệu hát chèo thuyền của chị Gái vang lên. Tôi nghe như có cơn gió chiều thổi nhẹ nhẹ qua cánh đồng rồi vút bay cao. Đôi cánh thần tiên như nâng tôi bay lơ lửng, đưa đến những bến bờ xa lạ. Trước mắt tôi vừa hiện ra con sông giống như sông Thu Bồn từ ngang trời chảy lại. Đằng chân trời, có vô số cánh buồm như cánh bướm trắng tôi từng gặp trong giấc mơ. Hai bên bờ trải rộng ngàn dâu xanh, lúc lấp lánh trong sương mai, lúc hắt hiu trong mưa thu gió thổi. Chị Gái đã dứt câu hò, tôi vẫn còn nghe nao nao.
Читать дальше