- Chợ Quảng Huế to và đẹp hơn trước nhiều. Ngày trước đó là chỗ phát chẩn. Trước đây lúc trời nhá nhem, ở thôn mình có tiếng phèng la, rồi có tiếng rao inh ỏi: "Ngày mai quan trên về phát chẩn tại chợ Quảng Huế. Ai đói lên chợ Quảng Huế lãnh chẩn!". Dân làng lôi quần áo rách ra tròng vào. Người chưa chết đói cũng làm ra bộ chết đói. Nhiều hình ma tướng cóc trông tội nghiệp lắm! Họ chen chúc dưới roi vọt để lọt qua được cái cổng tre vào lãnh chẩn. Người xét được lãnh phải nhận một vết nhọ nồi trên trán. Có được vết nhọ nồi, sẽ lãnh được một bát gạo.
Tất cả bọn trẻ reo lên:
- Ối! Nó làm như nó từng lãnh chẩn hồi trước!
Ban đầu chúng tôi chưa tin. Sau hỏi lại người lớn, những điều nó nói đều có thật cả.
* * *
Lớp học thầy Lê Hảo càng ngày càng đông. Học trò phải trải chiếu ngồi tận ngoài hiên. Học hết những bài thơ yêu nước, thầy Lê Hảo chép những bài hát cách mạng cho học thuộc lòng. Đứa nào biết hát thì hát, đứa không biết hát cứ ê a vẫn được:
Đoàn quân thiếu niên tiền phong chúng ta
Quyết đem xương máu để rửa thù xưa
Mau! Mau! Mau! Theo cờ đỏ sao vàng
Rút gươm, ta thề giết quân tham tàn.. .
Không khí trong lớp càng sôi nổi. Bọn chăn trâu nhiều đứa xin được vào học. Cả lớp tiến bộ trông thấy. Thầy Lê Hảo nghiêm nét mặt:
- Tôi dạy các trò theo phép thánh hiền. Trước học lễ sau mới học văn. Các trò phải học lễ nghĩa trước, tức là phải học cái tinh thần cách mạng trước. Hiểu cái tinh thần cách mạng trước, sau học đánh vần thì tốt hơn.
Nói xong, thầy vừa ngâm vừa hát:
Anh em ta mau bồng súng tiến ra sa trường
Khúc hát hành quân đang vang lừng trong bốn phương.
Chúng tôi vừa nhảy vừa hát theo. Đứa tối dạ thuộc càng nhanh. Học xong có thể xin về trước. Đứa nào cũng có những việc ở nhà: gánh nước, mót củi, chăn trâu. Thường đến nửa buổi, tôi đứng dậy bước đến trước mặt thầy, vòng tay lên ngực:
- Thưa thầy, cho tôi về đưa trâu đi uống nước.
Thầy nhìn lên:
- Ừ, cho trò về.
Tôi ra hiệu cho thằng Cù Lao. Nó cũng đứng dậy đến trước mặt thày chắp hai tay trên bụng:
- Thưa thầy, cho tôi về dắt trâu đi uống nước.
- Ừ, cho trò về.
Tôi đi trước, thằng Cù Lao theo sau. Nó hỏi:
- Cuộc ơi! Có đưa trâu ra bài không?
Tôi xẵng giọng:
- Cuộc, Cuộc cái chi! Tên tao là Cục, không phải là Cuộc. Về đã hơn tháng nay mà cứ trọ trẹ. Ra bãi phải nói ra bãi, chớ không phải ra bài.
Tôi bắt nó nói đúng theo giọng tôi. Về đến nhà, tôi bảo nó ra chuồng mở dây mũi cho trâu Bĩnh. Trâu Bĩnh độ này thích thằng Cù Lao lắm. Khi thằng Cù Lao đến gần, nó không khịt, lại còn thè lưỡi liếm vào cổ nó. Thằng Cù Lao vuốt vuốt lưng trâu khen:
- Cái lưng mày láng quá! Mày hoàn toàn quá!
Người ta bảo ngốc như trâu mà nó lại khen trâu là "hoàn toàn". Chợt chị Ba ở trên nhà nói xuống:
- Thôi đừng cho trâu đi uống nước nữa! Tao cho nó uống ở giếng rồi. Mày chớ rủ thằng Cù Lao ra sông đánh đá với bọn chăn trâu xóm dưới...
* * *
Từ hôm tôi và thằng Cù Lao bị mấy cục u trên trán, chị Ba tỏ ra nghiêm khắc. Thằng Cù Lao nghe chị Ba mắng, đã lặng lẽ bỏ đi. Tôi lên nhà trên thấy chị đang đếm tiền. Bạc giấy nhiều lắm. Chị Ba như đoán được ý nghĩ của tôi:
- Tiền để cứu tế đồng bào bị đói. Không phải xin năm mười xu được đâu! Cha đi vắng, mày để trâu Bĩnh giơ xương!
Tôi trả lời rành mạch:
- Phải bán con Bĩnh đi chớ! Để làm chi nữa!
Ý kiến của tôi hơi đột ngột, làm chị Ba quay lại:
- Mày không thích giữ trâu nữa hả?
- Có thích hay không thích cũng phải bán. Ngày mai ngày kia, máy cày máy gặt sẽ về. Không cày bừa bằng trâu đâu.
- Ai nói thế?
- Không phải bán trâu mà thôi! Còn phải dỡ nhà cho mau nữa!
Chị Ba mở tròn mắt:
- Lạ hè!
- Thế chị Ba không biết chi hết hả?
- Chẳng biết.
- Phải dỡ nhà cho mau để có chỗ xây dựng phố xá, kiến thiết lâu dài. Chị Ba tính, những ngôi nhà cao mười tầng, những lâu đài, những trường học đồ sộ! Nhà cao như vậy, làm sao leo lên leo xuống, chị Ba hở!
- Thế rồi chi nữa?
- Chị Ba bỏ cái nghề kéo thao lấy nước nhộng cho heo đi. Chị phải đi học để trở thành bác sĩ, kĩ sư, khỏi phải thức khuya dậy sớm, khỏi việc rau heo cám chó.
- Sướng quá hè!
- Cũng chỉ ngày mai ngày kia thôi, ruộng đất sẽ trở về tay nông dân, nhà máy, hầm mỏ về tay công nhân. Nhà ta khỏi phải ăn cơm gạo bắp. Chị Ba ăn cái gì chị Ba thích, cần xài bao nhiêu cũng được. Ăn tiêu tuỳ cần, làm việc tuỳ sức. Làm việc vài giờ một ngày cũng đủ sướng lắm! Chị khỏi ngủ gật.
- À tao hiểu rồi! Cái đó còn lâu kia, khi vào xã hội cộng sản kia. Từ đây đến đó còn phải gian khổ, còn phải nhiều năm, không phải ngày mai ngày kia mà được. Nhưng chị hỏi mày học lỏm đâu đó?
- Thèm học lỏm! Tôi ngồi chỗ cây cột nghe đàng hoàng anh cán bộ tỉnh về nói. Có anh Bốn Linh dự nữa. Anh cán bộ oai lắm, có đeo súng lục. Tôi nghe rõ anh nói: Ngày mai đâu, chúng ta sẽ như thế này, chúng ta sẽ như thế kia, chỉ nay mai thôi!
Chị Ba quay sang phía mẹ tôi:
- Làm chi chỉ nay mai, mẹ nhỉ! Làm chi có anh cán bộ cỡ đeo súng lục lại nói như rứa? Cán bộ như rứa phải nói đúng từng li từng tí. Con đi dự lớp huấn luyện, anh cán bộ thuộc sách làu làu còn phải giở sách ra xem, coi đi coi lại từng chữ chớ mẹ!
- Anh cán bộ nói là ngày mai thôi....
- Ai nói vậy? Có mày phịa ra thì có!
- Có chị phịa thì có!
- Độ rày cha đi vắng, mày đi đánh lộn ngoài sông, hết xưng là Triệu Tử Long, là Hạng Võ, bây giờ lại học thêm sách của ông Tư Đàm chuyên nói láo.
Ông Tư Đàm làng tôi nổi danh về tài nói láo. Tên của ông đã vượt ranh giới của xã, lên đến tổng và huyện. Chị Ba vừa cười vừa kể chuyện với mẹ:
- Bữa trước con lại nhà ông Tư Đàm. Con chó của ông nổi sủa. Ông nói: "Con chó của chú trước đây nó sủa, tiếng sủa nghe như tiếng chuông. Nhưng nó có cái tật hay sủa bậy. Chú giận quá lấy gậy đập vào đầu nó. Đầu nó toác ra làm đôi. Chú phải lấy dây lạt cột lại. Bây giờ nó sủa nghe cạch cạch, chẳng khác cái mõ bể".
Mẹ tôi vui miệng kể luôn:
- Trước đây ông nói với mẹ như ri: "Một hôm tôi cứ nghe buồn buồn trong bụng, không biết nhớ cái chi? Té ra tôi đang thèm thịt cọp. Tôi liền đi Dùi Chiêng để gặp Bá Hoành. Ông Bá Hoành ở Dùi Chiêng săn cọp nổi tiếng. Tôi rủ ông Bá cùng đi. Tôi bàu cho ông ta mua thứ hương mê để xông hổ. Thứ hương mê hễ ai hít phải là lăn ra ngủ như chết. Chúng tôi đứng trên đầu gió xông hương mê cho cọp hít. Cọp lăn ra ngủ, tôi xách giũa giũa hết răng nhọn. Vuốt nhọn tôi cũng giũa hết. Một con cọp mà răng với vuốt đã mòn thì chỉ còn là một con nghé con. Tôi trói cọp lại mang về. Bá Hoành phải phục tôi sát đất".
Читать дальше